Trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) là cụm từ được nhắc đến thường xuyên. Chúng gắn liền với những đột phá quan trọng của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nhiều quy trình công việc sẽ được thay đổi theo hướng tự động hóa giúp tăng khả năng hoạt động và vận hành của hệ thống, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.
Với sự gia tăng của AI và IoT, bước vào thế kỷ XXI, mục tiêu đang được hướng tới là xây dựng thành phố thông minh. Công nghệ thông tin (CNTT) được kỳ vọng sẽ phát triển để mọi hoạt động riêng biệt đều có thể kết nối thành các hệ thống không gian mạng, cùng phối kết hợp để mở rộng phạm vi tự chủ và tự động hóa thành phố thông minh. Điều này thể hiện rõ ở việc các vật dụng sẽ đều được kết nối với nhau qua Internet để phục vụ tối ưu cho con người.
Kết hợp thế giới thực (không gian vật lý) với không gian ảo bằng cách ứng dụng tối đa CNTT là hình thức lý tưởng để xây dựng xã hội phục vụ lợi ích con người. Những kết hợp được thực hiện có thể mang lại sự chuyển hóa hàng loạt cấu trúc công nghiệp như sản xuất, bán hàng, vận chuyển, y tế, chăm sóc sức khỏe, tài chính và các dịch vụ nhằm tạo ra giá trị kinh tế – xã hội.
Thành phố thông minh sẽ có khả năng đáp ứng được nhiều nhu cầu như cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người dùng vào đúng thời điểm và đầy đủ khối lượng. Ngoài ra, các nhu cầu cơ bản của con người về cơ sở vật chất, giải trí, nghệ thuật, sức khỏe… cũng sẽ được đáp ứng đầy đủ.
Với những nỗ lực hướng tới thành phố thông minh, các công nghệ không chỉ giúp con người dự báo được khả năng tích hợp của hệ thống năng lượng, vận tải, sản xuất và dịch vụ, mà còn tích hợp được cả các chức năng quản lý, tổ chức (như nhân sự, kế toán, pháp luật), cũng như giá trị công việc do con người thực hiện với những ý tưởng sáng tạo.
Việc tích hợp các công nghệ cũng cho phép nhiều dữ liệu khác nhau đều được thu thập, phân tích và xử lý trên các hệ thống phối hợp để liên tục tạo ra các giá trị và dịch vụ mới. Hướng tới mục tiêu này, những hệ thống được xác định và ưu tiên phát triển dựa trên các vấn đề kinh tế – xã hội đòi hỏi phải có sự nỗ lực mạnh mẽ từ mọi quốc gia. Nhờ việc đẩy mạnh sự phối hợp của nhiều hệ thống, năng lực cạnh tranh công nghiệp cũng sẽ được cải thiện. Các hệ thống giao thông thông minh, tối ưu hoá chuỗi giá trị năng lượng và sản xuất mới sẽ được phát triển để trở thành những hệ thống cốt lõi. Ngoài ra, tương tác giữa các hệ thống chăm sóc cộng đồng tích hợp, chuỗi thực phẩm thông minh và sản xuất thông minh… cũng tạo thuận lợi để sớm hình thành những giá trị mới trong nền kinh tế và mọi hoạt động xã hội.
Vai trò của AI
Ngày nay, AI đã được ứng dụng thường xuyên trong các ngành nghề như ngân hàng, y tế, kỹ thuật quân sự, phần mềm máy tính thông dụng trong gia đình và trò chơi điện tử. AI được định nghĩa như một ngành khoa học máy tính liên quan đến tự động hóa hành vi thông minh. Nhiều năm qua, việc ứng dụng AI mới ở mức độ dùng máy tính hoặc siêu máy tính để xử lý những công việc như điều khiển một ngôi nhà, nhận diện hình ảnh, xử lý dữ liệu bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị hoặc xử lý dữ liệu để tự học hỏi…
Là tập hợp hệ thống máy tính có thể cảm nhận được môi trường, suy nghĩ, học hỏi và hành động để đáp ứng những gì cảm nhận được; các dạng AI ngày nay hoạt động theo 4 cách, đó là:
- Tự động hóa các công việc thủ công (tự động thông minh);
- Hỗ trợ con người thực hiện công việc nhanh và tốt hơn (hỗ trợ thông minh);
- Nâng cao trí thông minh, giúp đưa ra quyết định tốt hơn;
- Tự động hóa quá trình ra quyết định, không cần có sự can thiệp của con người (trí thông minh tự trị).
Phân tích tiềm năng kinh tế của AI, các nhà khoa học thuộc Công ty kiểm toán quốc tế Pricewaterhouse Coopers (PwC) nhận định: mặc dù AI còn trong giai đoạn phát triển ban đầu, song đến năm 2030, lĩnh vực này được dự báo có thể đóng góp tới 15.700 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu. Tác động kinh tế của AI được thúc đẩy bởi năng suất nâng cao nhờ các quy trình tự động hóa doanh nghiệp; năng suất tăng lên do doanh nghiệp thay thế lực lượng lao động bằng công nghệ AI.
Mặt khác, tác động của AI còn do nhu cầu tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ có hàm lượng trí tuệ toàn cầu sẽ gia tăng cao. Trong tương lai, tăng trưởng kinh tế từ AI có thể nhờ vào cải thiện năng suất thông qua tác vụ thông thường hoặc tăng cường năng lực của nhân viên để tập trung vào những việc làm có giá trị cao và hấp dẫn hơn. Theo PwC, năng suất được cải thiện nhờ AI có thể chiếm trên 55% giá trị gia tăng của GDP trong giai đoạn 2017-2030. Khi công nghệ mới được chấp nhận, người tiêu dùng tăng nhu cầu sản phẩm cải tiến và tác động từ đổi mới sản phẩm sẽ tăng lên theo thời gian. Cũng theo PwC, hành vi của người tiêu dùng và tiêu thụ sản phẩm từ AI sẽ vượt qua mức tăng năng suất, để bổ sung thêm 9.000 tỷ USD cho GDP toàn cầu vào năm 2030.
Cuộc cách mạng tiêu dùng do AI mở đường được cho là sự bứt phá mạnh mẽ khi các doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới và phát triển những mô hình kinh doanh mới dưới tác động của AI. Việc đi tiên phong trong sử dụng AI sẽ tạo được lợi thế cả về thu hút khách hàng lẫn lợi thế cạnh tranh để nắm bắt thị trường, nâng cao khả năng khai thác và điều chỉnh sản lượng phù hợp. Trong thập kỷ qua, làn sóng kỹ thuật số đã thâm nhập sâu vào đời sống. Các hoạt động từ sản xuất đến bán lẻ và chăm sóc sức khỏe ngày càng được số hóa.
Trong xã hội thông minh, việc vận dụng công nghệ không có con người trong quy trình đồng nghĩa với việc một số vị trí công việc sẽ trở nên dư thừa, nhưng lại có nhiều việc làm mới được tạo ra do yêu cầu nâng cao năng suất và nhu cầu tiêu dùng phát sinh từ AI. Mặc dù mọi nền kinh tế đều được hưởng lợi, nhưng những nền kinh tế có tiềm năng về AI sẽ thu được nhiều lợi ích hơn cả.
Vai trò của IoT
Theo các chuyên gia nghiên cứu, thời gian tới đây, dữ liệu được tạo ra từ IoT sẽ vượt xa nhiều lần dữ liệu IoP. Dữ liệu gia tăng cùng với tiêu chuẩn hóa, cá nhân hóa sản phẩm và dịch vụ đặt ra những yêu cầu đòi hỏi AI phải khai thác dữ liệu số cả từ con người lẫn đồ vật để tự động hóa và hỗ trợ hiệu quả cho việc làm hiện tại, cũng như tìm ra cách làm mới cho tương lai. Tiềm năng kinh tế của IoT vào năm 2025 được ước tính đạt đến 6.200 tỷ USD.
Những ngành chịu tác động lớn nhất là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và sản xuất chế tạo. Lợi ích IoT mang lại trong ngành chăm sóc y tế là giúp nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân mãn tính với mức chi phí giảm xuống chỉ còn từ 10% đến 20% giá trị thực. Trong sản xuất chế tạo, công nghệ IoT sẽ cải thiện được hiệu suất làm việc theo nhiều cách. Thiết bị cảm biến có thể theo dõi, cung cấp thông tin ở thời gian thực mới nhất về trạng thái thiết bị, có thể giảm thời gian chết, giám sát lưu lượng hàng hóa tồn kho trong sản xuất.
Ngoài ra, IoT còn là công cụ có khả năng quản lý tốt hơn hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ thành thị, bao gồm cả các hệ thống giao thông, nước sạch, nước thải và an toàn công cộng. Trong nông nghiệp, thiết bị cảm biến lá cây có thể đo được ứng suất trong thân cây dựa vào các cấp độ hơi ẩm; cảm biến đất có thể tập hợp thông tin chung về lượng nước điều tiết vào đồng ruộng… giúp người nông dân tối ưu hóa điều kiện canh tác, tránh được những thiệt hại về mùa màng; IoT có nhiều tiềm năng tạo ra giá trị gia tăng đáng kể..
Có thể thấy, sự phát triển của các công nghệ AI và IoT sẽ giúp con người ngày càng hướng đến một xã hội thông minh, tự động hóa, chất lượng cuộc sống của con người ngày càng được nâng cao.
Fanpage: Trí Việt JSC ( Theo Antoanthongtin )