Phòng chống ransomware

Ransomware là một loại phần mềm độc hại có mục đích tống tiền người dùng bằng cách xâm nhập vào máy tính và thao túng dữ liệu của nạn nhân. Các quản trị viên hệ thống IT luôn tìm mọi cách để phòng chống ransomware xâm nhập của loại mã độc tống tiền này.

Những vụ tấn công của ransomware

WannaCry

WannaCry chắc hẳn không còn là một cái tên xa lạ với những ai quan tâm đến công nghệ và bảo mật. Năm 2017, mã độc này đã hoành hành với quy mô cực lớn – 250.000 máy tính tại 116 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

WannaCry được đánh giá là “vụ tấn công ransomware kinh khủng nhất trong lịch sử” cho đến năm 2017, ước tính tổng thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đến hàng tỉ USD. Mã độc này lợi dụng một lỗ hổng trong giao thức SMB của hệ điều hành Microsoft Windows để tự động lan rộng ra các máy tính khác trong cùng mạng lưới.

Chỉ trong 4 ngày, WannaCry đã lan rộng trong 116 nước với hơn 250.000 mã độc được phát hiện. Tại châu Âu, những tổ chức chính phủ, doanh nghiệp lớn như FedEx, Hệ thống Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh và Bộ Nội vụ Nga đều đã gánh chịu hậu quả không nhỏ từ loại ransomware này.

Vài tháng sau vụ tấn công, chính phủ Mỹ đã chính thức buộc tội Triều Tiên là quốc gia đứng sau các vụ tấn công WannaCry. Ngay cả chính phủ Anh và Microsoft cũng có suy đoán tương tự.

GandCrab

Khác với WannaCry, GandCrab là ransomeware đầu tiên yêu cầu thanh toán bằng bằng tiền điện tử DASH và sử dụng tên miền cấp cao (TLD), được phát hiện vào cuối tháng 1/2018.

Những email này thường lừa người dùng Internet mở tệp chứa trong file ZIP đính kèm. Thông thường người dùng sẽ tải tệp tin này xuống, giải nén nó. Sau khi thực hiện, nó lập tức giải mã một URL có kết nối tới GandCrab. Tập lệnh này sau đó sẽ tải về một phần mềm độc hại và chạy nó trên máy tính người dùng.

Kẻ tấn công sử dụng email spam để phát tán GandCrab

Để trả tiền chuộc, người dùng phải cài trình duyệt Tor, thanh toán bằng tiền điện tử Dash hoặc Bitcoin, với giá trị khoảng $200 – $1200 tùy theo số lượng file bị mã hóa.

Theo thống kê của Bkav, vào thời điểm cuối năm 2018, tại Việt Nam đã có 3.900 trường hợp máy tính bị ransomware này mã hóa dữ liệu tống tiền. Hacker cũng liên tục cải tiến nâng cấp qua 4 thế hệ với độ phức tạp ngày càng cao.

Bad Rabbit

Cách thức phát tán chính của Bad Rabbit là dụ người dùng truy cập vào các trang web đã bị hack và tải về một file cài đặt. Nó không khai thác lỗ hổng vốn có trên trình duyệt hay các hệ điều hành mà người ghé thăm những trang web đã bị chiếm quyền điều khiển này sẽ được yêu cầu cài đặt hoặc cập nhật Adobe Flash.

Bad Rabbit được phát tán thông qua một thông điệp cập nhật Adobe Flash giả mạo

Nếu không cảnh giác thì nguy cơ dính Thỏ Xấu rất cao bởi bảng thông báo Flash này thực chất là để mồi chào người dùng nhấn vào, một tập tin có tên tương tự như phần mềm Adobe Flash cũng được tải về, khi nhấp đúp để cài đặt thì Bad Rabbit bắt đầu lây nhiễm.

Những trang web bị hack chủ yếu đến từ Nga, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ, hacker đã tấn công thành phần JavaScript trong HTML body hoặc một tập tin .js có trong trang web.

NotPetya

NotPetya cũng lợi dụng lỗ hổng của Microsoft tương tự như WannaCry. Kể từ khi xuất hiện, ransomware này đã lan rộng trên nhiều website của Ukraine, châu Âu,…

Tấn công NotPetya

Chúng có thể lây lan từ máy tính này sang máy tính khác, từ mạng này sang mạng khác mà không cần thông qua thao tác của người dùng. Đặc biệt, NotPetya không chỉ mã hóa các file tài liệu thông thường, chúng phá hủy ổ cứng của máy nạn nhân đến mức không thể khôi phục dù nạn nhân có trả tiền chuộc hay không.

Nhiều chuyên gia đã nghi ngờ cuộc tấn công nhắm vào chính phủ Ukraine này đứng sau bởi chính phủ Nga.

Phòng chống ransomware hiệu quả

Sao lưu dữ liệu

Để phòng chống ransomware hiệu quả, trước tiên cần phải thường xuyên sao lưu dữ liệu trong máy tính. Đối với lượng dữ liệu cần sao lưu lớn, ổ cứng tách rời là một lựa chọn phù hợp. Đối với lượng dữ liệu cần sao lưu dưới 50GB, bạn có thể bắt đầu với các dịch vụ lưu trữ dữ liệu trên đám mây như Dropbox, Google Drive, Mega hoặc One Drive.

Nếu mỗi ngày bạn đều làm việc với các dữ liệu quan trọng thì nên thực hiện backup dữ liệu hàng ngày. Trong trường hợp máy tính bị tấn công, điều này sẽ giúp bạn không cần lo lắng về việc dữ liệu bị phá hủy.

Thường xuyên cập nhật phần mềm

Các bản cập nhật của phần mềm sẽ thường được vá lỗi bảo mật còn tồn tại trong phiên bản cũ, bảo vệ an toàn thông tin cho người dùng hơn. Bạn nên đặc biệt chú ý cập nhật thường xuyên các chương trình như trình duyệt, Flash, Java.

Nếu máy tính của bạn chưa có phần mềm diệt virus thì hãy cài đặt càng sớm càng tốt. Kaspersky, Norton, McAfee, ESET hoặc Windows Defender – giải pháp phòng chống virus mặc định của Windows đều là những chương trình bạn có thể tin tưởng.

Nếu đã cài đặt, hãy thường xuyên cập nhật phiên bản mới nhất của phần mềm. Phần mềm diệt virus sẽ giúp phát hiện các tệp độc hại như ransomware, đồng thời ngăn chặn hoạt động của các ứng dụng không rõ nguồn gốc trong máy tính của bạn.

Cẩn thận với link hoặc file lạ

Đây là phương thức lừa đảo khá phổ biến của hacker: Gửi email hoặc nhắn tin qua Facebook, đính kèm link download và nói rằng đó là file quan trọng hoặc chứa nội dung hấp dẫn với mục tiêu.

Khi tải về, file thường nằm ở dạng .docx, .xlxs, .pptx hoặc .pdf, nhưng thực chất đó là file .exe (chương trình có thể chạy được). Ngay lúc người dùng click mở file, mã độc sẽ bắt đầu hoạt động.

Chính vì vậy, để phòng chống ransomware trước khi click download về máy, nên kiểm tra kĩ mức độ tin cậy của địa chỉ người gửi, nội dung email, tin nhắn,… Nếu download về rồi, hãy xem kĩ đuôi file là gì, hoặc sử dụng Word, Excel, PowerPoint,… để mở file thay vì click trực tiếp. Nếu là file .exe giả dạng thì phần mềm sẽ báo lỗi không mở được.

Source: Cystack

Fanpage: Trí Việt JSC

Bạn cũng có thể thích ...